Một số giải pháp nâng cao chất lượng môi trường học tập cho học sinh trung cấp nghề chuyên ngành Cơ khí động lực, Công nghệ ô tô

Một số giải pháp nâng cao chất lượng môi trường học tập cho học sinh trung cấp nghề chuyên ngành Cơ khí động lực, Công nghệ ô tô

NCKH - Trong hoạt động giáo dục, nhất là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, có thể thấy vai trò của môi trường học có quyết định không nhỏ đối với mức độ tiếp thu bài và kết quả học tập của mỗi cá nhân. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đã nghiên cứu, phân tích và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng môi trường học tập cho học sinh trung cấp nghề chuyên ngành Cơ khí động lực, Công nghệ ô tô.

Câu lạc bộ Cơ khí động lực và Công nghệ ô tô của trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh được duy trì sinh hoạt đều đặn và ngày càng phát triển

Từ khóa: môi trường học tập; cơ khí động lực, công nghệ ô tô; trung cấp nghề.

1. Đặt vđ

Môi trường học tập là các yếu tố tác động đến quá trình học tập của học sinh bao gồm: môi trường vật chất (bảng, bàn, ghế, sách vở, nhiệt độ ánh sáng, âm thanh, không khí…); môi trường tinh thần (mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh; học sinh với học sinh; giữa nhà trường, gia đình và xã hội; động cơ, hứng thú, nhu cầu, tính tích cực học tập của học sinh; phong cách, phương pháp giảng dạy của giáo viên...); môi trường sư phạm (tập hợp gồm những con người, phương tiện... đảm bảo cho việc học tập đạt kết quả tốt).

Trên thực tế, còn có một số môi trường học tập như: môi trường truyền thống; môi trường dã ngoại; môi trường trò chơi; môi trường thực tiễn; môi trường trực tuyến...

Vì vậy, để học sinh có được một kết quả học tập tốt nhất thì mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tạo ra một môi trường học tập tốt, mới mẻ, sáng tạo, cuốn hút và có sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữ nhà trường, gia đình và xã hội.

Tài liệu tham khảo chuyên ngành cơ khí động lực được cập nhật lên trang website của trường với hơn 11 nghìn lượt truy cập

2. Thực trạng

Có thể khẳng định nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, việc đào tạo nên lực lượng đội ngũ lao động nghề chất lượng cao là nhiệm vụ rất quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh.

Tuy nhiên, ngoài kết quả đào tạo nghề ngày càng gia tăng về số lượng lẫn chất lượng, trong thời gian qua, môi trường học tập tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh còn tồn tại một số bất cập có thể kể đến như:

Thứ nhất, trong 2 năm đào tạo, thời lượng học lý thuyết lẫn thực hành chưa được chuyên sâu, dẫn đến sự hiểu biết về thực tiễn của học sinh trung cấp nghề nhìn chung còn nhiều hạn chế.

Thứ hai, trình độ chuyên môn, tay nghề của học sinh hiện hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của xã hội, nhất là các ngành kỹ thuật như công nghệ ô tô, cơ khí động lực; đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của giáo viên và học sinh, đặc biệt là phải thường xuyên cập nhật công nghệ mới vào nội dung bài giảng.

Thứ ba, tại hệ thống các trường trung cấp nhìn chung còn thiếu thông tin về dự báo nhu cầu đào tạo, thị trường lao động nên việc đầu tư các nguồn lực vào hoạt động đào tạo nghề vẫn chưa đúng mức, chưa tương xứng với sự phát triển của thị trường lao động, nhất là đối với ngành công nghệ ô tô và cơ khí động lực.

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh luôn đẩy mạnh động đào tạo kép và tổ chức cho 100% học sinh tham gia thực tập sản suất 06 tuần tại doanh nghiệp 

3. Nguyên nhân hạn chế

Các hạn chế nêu trên được xác định đến từ các nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, đối với giáo viên có lúc còn chưa thực sự quan tâm đến năng lực học tập của từng học sinh trong lớp; chưa động viên kịp thời, khéo léo đối với sự tiến bộ của học sinh; chưa nắm chắc nên đề ra yêu cầu quá cao hoặc còn thấp đối với năng lực của học sinh; chậm đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là trong quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; chưa tạo được không khí học tập thân thiện; chưa phối hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh.

Hai là, đa phần các trang thiết bị, dụng cụ và vật dụng phục vụ cho hoạt động giảng dạy chỉ đáp ứng cơ bản cho một lớp học mở một thời điểm; một số trang thiết bị phục vụ cho chuyên ngành chưa được đầu tư thỏa đáng.

Ba là, đối với các hoạt động văn – thể  – mỹ, ngoại khóa đa phần được tổ chức rập khuôn theo các ngày lễ lớn; một số hoạt động còn cứng nhắc, không đổi mới, chưa thật sự cuốn hút học sinh tham gia; trong khi, các em dễ sa vào nghiện games online hay các dịch vụ vui chơi, giải trí hấp dẫn từ các ứng dụng công nghệ thông tin.

Bốn là, chất lượng đầu vào của học sinh đa phần khá thấp, tuổi các em còn nhỏ nên chưa xác định được động cơ học tập tích cực; thiếu tìm tòi, sáng tạo, chủ động trong học tập dẫn đến chưa nắm được các kỹ năng, kiến thức cần thiết.

Năm là, một số phụ huynh còn chưa quan tâm đến việc học của con em mà xem đây là trách nhiệm toàn bộ thuộc về nhà trường.

Giáo viên chuyên ngành cùng 02 học sinh thực hiện Mô hình dàn trải “Hệ thống Điện lạnh ô tô” tham gia hội thi “Thiết bị đào tạo tự làm” cấp trường năm học 2022 – 2023 

4. Một số giải pháp

Xác định được những tồn tại, hạn chế cùng với nguyên nhân cơ bản, tác giả đề ra một số giải pháp nâng cao chất lượng môi trường học tập cho học sinh chuyên ngành Cơ khí động lực, Công nghệ ô tô Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnhnhư sau:

Trước hết, đối với nhà trường, cần quan tâm tổ chức định hướng nghề nghiệp khi học sinh bắt đầu nhập học tại trường; tổ chức cho các em đến tham quan thực tế, thực tập tại các doanh nghiệp; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề hoặc hội thảo về thị trường lao động… nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về chương trình học, nhu cầu thị trường, vị trí việc làm sau khi ra trường và xác định động cơ, thái độ, giải pháp học tập phù hợp.

Phát huy hiệu quả của mô hình “đào tạo kép”, tạo điều kiện cho học sinh được tìm hiểu công việc thực tiễn và thực tập thực tế tại các doanh nghiệp để các em có điều kiện áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, củng cố thêm kiến thức chuyên môn và gia tăng thêm lòng yêu nghề.

Ngoài ra, duy trì, củng cố và phát triển các câu lạc bộ học thuật; các hội thi học sinh giỏi, hội thi sáng tạo, các diễn đàn, tọa đàm trao đổi các kinh nghiệm; các hoạt động giáo dục thể chất, đạo đức, lối sống; xây dựng các kho tài liệu tham khảo và quan tâm đầu tư bổ sung các trang thiết bị, vật tư, nguyên phụ liệu từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất của các chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em được học tập tốt.

Thứ hai, đối với giáo viên bộ môn cần tạo động cơ, lòng tin, niềm hứng thú say mê, yêu thích học tập cho học sinh; thường xuyên định hướng nghề nghiệp theo từng thế mạnh của riêng của từng học sinh; cập nhật kiến thức cơ bản cho học sinh yếu kém để các em kịp thời hòa nhập với lớp; không ngừng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động học tập của học sinh; thường xuyên kiểm tra đánh giá học sinh theo các nội dung và thời gian đã đề ra với tôn chỉ “học” để “hiểu”, “hiểu” để “hành” và “hành” để sáng tỏ kiến thức đã “hiểu”; luôn là cầu nối hiệu quả giữa phụ huynh và nhà trường… trong suốt quá trình học tập của học sinh.

Thứ ba, đối với học sinh cần tuân thủ các nội quy, quy định của nhà trường; xác định động cơ, thái độ, kế hoạch học tập đúng đắn, phấn đấu đạt kết quả tốt nhất; thường xuyên tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động học thuật, phong trào, các câu lạc bộ, đội, nhóm, các buổi hội thảo, tọa đàm, diễn đàn… để củng cố lòng yêu nghề và kỹ năng thực hành xã hội; tích cực phát huy khả năng tìm tòi, tính sáng tạo, đổi mới phương pháp học tập; tăng cường rèn luyện về ngoại ngữ, tin học; tham gia các cuộc thi học sinh giỏi nghề các cấp, tham gia các cuộc thi sáng tạo, sản phẩm ứng dụng kỹ thuật vào thực tiễn; mạnh dạn đề ra sáng kiến trong việc cải tiến học cụ, nâng cao tay nghề; tranh thủ thời gian tham quan, thực tập tại các doanh nghiệp để củng cố năng lực nghề nghiệp của mình…

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh luôn đầu tư các vật tư, công cụ, dụng cụ đáp ứng tốt việc giảng dạy ngành Cơ khí động lực và Công nghệ ô tô 

5. Các kết quả cụ thể

Sau khi áp dụng đề tài tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh đã tổ chức thực hiện được một số hoạt động cụ thể đáng nghi nhận. Chẳng hạn, tổ chức định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngành cơ khí động lực và công nghệ ô tô trong tuần sinh hoạt đầu khóa; duy trì sinh hoạt và ngày càng phát triển câu lạc bộ cơ khí động lực và nhóm ô tô của trường trên ứng dụng mạng xã hội; đầu tư các vật tư, công cụ, dụng cụ đáp ứng tốt việc giảng dạy; đẩy mạnh hoạt động đào tạo kép và phối hợp tốt với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức cho 100% học sinh tham gia thực tập sản suất 06 tuần tại doanh nghiệp; huấn luyện và tổ chức cho 10 học sinh chuyên ngành cơ khí động lực và công nghệ ô tô tham gia hội thi học sinh giỏi cấp trường năm học 2022 – 2023; giới thiệu việc làm liên quan đến chuyên ngành cơ khí động lực và công nghệ ô tô đến học sinh khi ra trường; đặc biệt, cập nhật tài liệu tham khảo chuyên ngành cơ khí động lực lên trang website https://cokhi.nhct.edu.vn/cong-nghe-o-to---co-khi-dong-luc-544.html với hơn 11 nghìn lượt truy cập…

Đối với giáo viên bộ môn luôn quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng; truyền đạt kiến thức cho học sinh qua các ứng dụng mô phỏng, tài liệu chuyên ngành góp phần thu hút học sinh tham gia học tập; tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện đầy đủ, linh hoạt đáp ứng được yêu cầu của bộ môn; giáo viên chuyên ngành cùng 02 học sinh thực hiện Mô hình dàn trải “Hệ thống Điện lạnh ô tô” tham gia hội thi “Thiết bị đào tạo tự làm” cấp trường năm học 2022 – 2023; vận động các em tham gia tích cực các phong trào văn – thể - mỹ, đoàn, hội tại trường…; kết quả 100% học sinh chuyên ngành cơ khí động lực và công nghệ ô tô tham gia học tập đều đủ điều kiện dự thi kết thúc các môn học.

6. Mức độ lợi ích xã hội mang lại

Đối với học sinh, đã tạo môi trường học tập tốt nhất, giúp các em xác định rõ thế mạnh của mình, chọn nghề phù hợp với bản thân, có mục tiêu và hướng phấn đấu, rèn luyện rõ ràng, vững kiến thức, chắc tay nghề khi tốt nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp hoặc có thể khởi nghiệp khi hội đủ các điều kiện cần thiết.

Đối với nhà trường, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng được thương hiệu và hình ảnh của học sinh trung cấp nói chung và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng; thu hút ngày càng nhiều học sinh đăng ký học tập bậc trung cấp tại trường.

Đối với xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu lao động, sản xuất của thị trường lao động, nhất là đối với ngành nghề cơ khí động lực và công nghệ ô tô.

Căn cứ hiệu quả do đề tài mang lại và đặc điểm, tình hình của hệ thống các trường trung cấp, tác giả xét thấy có thể nhân rộng mô hình đề tài này tại tất cả các cơ sở đào tạo nghề trong toàn quốc.

ThS Nguyễn Quốc Đoàn

Phó Trưởng Khoa Cơ khí

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh

 

Nguồn bài viết: TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ THANHNIENVIET.VN - CƠ QUAN LÝ LUẬN NGHIỆP VỤ CỦA TRUNG ƯƠNG ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH 

Link Bài viết:

https://thanhnienviet.vn/2024/01/15/mot-so-giai-phap-nang-cao-chat-luong-moi-truong-hoc-tap-cho-hoc-sinh-trung-cap-nghe-chuyen-nganh-co-khi-dong-luc-cong-nghe-o-to/

cokhi : 17-01-2024 51